Chiều ngày 8/7 tại Geneve, Hội đồng nhân quyền khóa 44 đã tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về quyền của người khuyết tật trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là phiên họp được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, Philippines và Bangladesh, ba đồng tác giả của Nghị quyết thường niên của Hội đồng nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền con người. Bà Nada Al-Nashif, phó Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc đã phát biểu khai mạc phiên thảo luận. Với các diễn giả gồm Báo cáo viên đặc biệt về quyền của người khuyết tật, giảng viên Đại học McGill, Canada cùng hai đại biểu từ hai tổ chức đại diện cho người khuyết tật đến từ Philippines và Uganda, Phiên thảo luận đã thu hút sự tham gia của đông đảo các quốc gia và tổ chức quốc tế như UN Women, UNICEF và một số tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.

                          ​Ảnh Assembly Hall.png

            Các diễn giả và đại biểu các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đại diện người khuyết tật đều nhấn mạnh tác động tiêu cực và không đồng đều của BĐKH đối với quyền con người, đặc biệt là người khuyết tật, vốn là nhóm dễ tổn thương nhất trong tình huống khủng hoảng như trong đại dịch Covid hiện nay. Việc đa số người khuyết tật sống trong nghèo đói là một trong những nguyên nhân chính khiến họ dễ tổn thương hơn do tác động của BĐKH, bên cạnh các nguyên nhân khác như kỳ thị và phân biệt đối xử. Các yếu tố kết hợp như giới tính, tuổi tác, vị trí địa lý… càng làm cho người khuyết tật trở nên dễ tổn thương hơn. Thiên tai và các hiện tượng cực đoan như nước biển dâng, lũ lụt, sạt lở đất, mất đa dạng sinh học có thể ảnh hưởng đến việc tiếp cận thức ăn, nước uống, thuốc men, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, học tập và việc làm của người khuyết tật… Các diễn giả và nhiều đại biểu kêu gọi lồng ghép quyền của người khuyết tật vào quá trình hoạch định, triển khai các chính sách, sáng kiến chống tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo người khuyết tật có tiếng nói trong các quá trình này. Diễn giả đến từ Đại học McGill và nhiều nước kêu gọi chốngbiến đổi khí hậu, trong đó các nước đang phát triển tiếp tục nêu yêu cầu cấp thiết về đảm bảo hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để đối phó với BĐKH cùng các tác động tiêu cực của hiện tượng này.

                           Ảnh ĐS Lê Thị Tuyết Mai phát biểu.jpg

            Dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự khóa họp 44 HĐNQ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai đã thay mặt ASEAN, thông tin về các nỗ lực, cam kết chống BĐKH của khu vực, trong đó đáng chú ý là việc ASEAN hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra về hiệu quả sử dụng năng lượng. Trong bối cảnh BĐKH, Đại sứ khẳng định việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người khuyết tật luôn là ưu tiên nhất quán của ASEAN, thể hiện tại văn bản Tầm nhìn ASEAN 2025 cũng như Kế hoạch tổng thể của ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật. Đại sứ nhấn mạnh ASEAN luôn coi trọng hợp tác quốc tế chống BĐKH và khẳng định hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo tài chính và xây dựng năng lực có vai trò then chốt trong các hoạt động chống BĐKH và tác động của BĐKH. ASEAN mong muốn các nước cam kết mạnh mẽ về tài chính chống BĐKH hậu 2020 và hy vọng Hội nghị lần thứ 26 các quốc gia thành viên Công ước khung LHQ về BĐKH diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh vào năm 2021 sẽ đạt kết quả tốt đẹp.

           Ngoài ra, Nhóm đồng tác giả Nghị quyết chống BĐKH do Bangladesh đại diện phát biểu đã khẳng định ưu tiên bảo vệ quyền con người trong bối cảnh BĐKH, đặc biệt là quyền của người khuyết tật và các nhóm yếu thế trong xã hội; kêu gọi tiếp tục đảm bảo tài chính chống BĐKH và lồng ghép quyền của người khuyết tật vào các hoạt động chống BĐKH, thiên tai và tình huống khẩn cấp khác.

           Với mục tiêu tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động tại Hội đồng Nhân quyền, thể hiện vai trò dẫn đầu trong vấn đề BĐKH, Việt Nam cùng Philippines và Bangladesh sẽ giới thiệu Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu, tập trung vào quyền của người cao tuổi, để Hội đồng nhân quyền xem xét, thông qua tại khóa họp này. Chủ đề của Nghị quyết năm nay được lựa chọn trong bối cảnh các tình huống khẩn cấp như Covid-19, kết hợp với BĐKH đã tác động tiêu cực đến các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, trong đó có người cao tuổi./.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​

Tin khác